Sản phẩm theo nghành
Thống kê truy cập
Số người online: 1
Tổng lượt truy cập: 10782
Hỗ trợ bán buôn - 091.3087288
Hỗ trợ kinh doanh - 024.3557.4374 096.4.047 288
Tai nạn lao động nghề nông: Việc đang bị lãng quên
Trong bản thống kê tình hình tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp năm 2008 của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) hoàn toàn không có số liệu về bệnh nghề nghiệp của lao động nông thôn. Trong khi đó, lao động làm nghề nông chiếm tỷ lệ lớn nhất trong cơ cấu lao động Việt Nam, khoảng 70%. Rõ ràng bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động nghề nông đang bị lãng quên.
 
Thực trạng

Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH tại 31 tỉnh, thành phố trong năm 2008 thì đa số các vụ tai nạn lao động (TNLĐ) trong nghề nông là do nhiễm độc thuốc bảo vệ thực vật. Cụ thể trong năm 2008 đã có 6.807 vụ với 7.572 người (tăng 1,4 lần so với năm trước), tử vong 137 người, chiếm 1,8% trong tổng số các vụ TNLĐ, tăng 1,2% so với năm 2007. Đa số các vụ TNLĐ là nhiễm độc do không có trang thiết bị bảo hộ lao động, số ít là do uống nhầm thuốc trừ sâu. Ngoài ra, các thống kê không có phần nào đánh giá riêng về các loại hình TNLĐ khác ở lĩnh vực lao động nông thôn.
 
Một chuyên gia ở Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng thừa nhận là do việc quản lý cơ sở sản xuất còn có nhiều khó khăn và bất cập nên chưa có báo cáo đầy đủ về các vụ TNLĐ trong sản xuất nông nghiệp. Đối với các cơ sở sản xuất nhỏ và vừa thì việc quản lý còn khó khăn hơn rất nhiều. Thực tế cho thấy mới chỉ 10% số cơ sở sản xuất trong cả nước được quản lý.
 
Về vấn đề này, bà Đoàn Minh Hòa, Cục trưởng Cục TNLĐ (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, việc quản lý môi trường lao động cho nông dân hiện nay gặp rất nhiều khó khăn do đó các vụ tai nạn rất khó thống kê. Bên cạnh đó, đối tượng lao động là người nông dân và các cấp quản lý ở địa phương vẫn chưa nhận thức được nhiệm vụ phải thống kê về các vụ TNLĐ ở lĩnh vực này. Đây là nguyên nhân chính của việc quản lý an toàn lao động trong nông nghiệp đang bị lãng quên. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia y tế, mặc dù con số và loại hình TNLĐ trong nông nghiệp rất lớn và đa dạng như bệnh chấn thương do mang vác vật nặng không đúng cách, bệnh ngoài da do ảnh hưởng của thuốc bảo vệ thực vật... nhưng hiện nay Việt Nam chưa có chế độ trợ cấp bệnh nghề nghiệp cho nông dân. Bên cạnh đó, nông dân không thuộc quyền quản lý của của một cơ quan nhà nước hay doanh nghiệp nào nên rất khó kiểm soát.
 
Đi tìm đáp án
Để phòng tránh những hậu quả đáng tiếc từ TNLĐ xảy ra ở nông thôn, nhiều chuyên gia đã đưa ra một số giải pháp để kiểm soát tốt hơn vấn đề an toàn lao động nông thôn. Ông Vũ Như Văn, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, tuyên truyền bằng biểu dương thành tích qua đài phát thanh xã rất hiệu quả. Ngoài ra là tuyên truyền trong nhóm ở cộng đồng. Cách này đã được thí điểm và có hiệu quả rất tốt. Đài phát thanh địa phương đã đọc danh sách và thành tích của người dân làm tốt công tác an toàn lao động trong nông nghiệp. Phần thưởng có thể chỉ là gói xà phòng cũng rất quý. Phần thưởng lớn thậm chí có thể là một chuyến đi du lịch Thái Lan. Theo ông Văn, Cục đã tổ chức được những chuyến đi như thế cho những nông dân chỉ quanh năm đồng áng.
 
Bà Đoàn Minh Hòa cho biết, sắp tới một dự án thuộc Chương trình quốc gia sẽ được Bộ NN&PTNT chủ trì sẽ được thực hiện. Dự án sẽ nghiên cứu hoàn thiện mô hình triển khai nhằm đưa khoa học công nghệ, y học vào cải thiện môi trường lao động trong nông nghiệp và ngành nghề nông thôn. Dự kiến sẽ có rất nhiều tình nguyện viên nông dân tham gia chương trình. Bên cạnh đó, "Chương trình quốc gia về bảo hộ lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động giai đoạn 2008 - 2010" đã chú trọng các hoạt động cải thiện điều kiện lao động ở một số lĩnh vực có nguy cơ cao, trong đó có sản xuất nông nghiệp và nông thôn cũng là một đáp án tốt cho người lao động khu vực nông thôn trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe khi lao động. Nhiều ý kiến khác cho rằng, cần thiết phải tăng cường rà soát các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp. Đồng thời, cần thực hiện tốt và sơ tổng kết mô hình phòng chống bệnh nghề nghiệp nhằm triển khai rộng rãi trên toàn bộ các cơ sở sản xuất có nguy cơ trên địa bàn tỉnh, thành phố.
 
Như vậy, cùng với rất nhiều chương trình và dự án đã và sắp thực hiện trong thực tế, vấn đề an toàn lao động nông thôn sẽ được quan tâm và sẽ có những con số thống kê riêng. Qua đó, hằng quý, hằng năm, các cơ quan quản lý sẽ nắm bắt được con số thực tế, nguyên nhân của các vụ TNLĐ trong nông thôn để đưa ra những hướng giải quyết kịp thời, giúp nông dân phòng tránh được những bệnh nghề nghiệp và tai nạn không đáng có.
Tin bài liên quan
Loading...