Sản phẩm theo nghành
Thống kê truy cập
Số người online: 1
Tổng lượt truy cập: 10764
Hỗ trợ bán buôn - 091.3087288
Hỗ trợ kinh doanh - 024.3557.4374 096.4.047 288
Tai nạn lao động: Vẫn gia tăng đáng ngại
Theo nghiên cứu của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tỷ lệ tai nạn thương tích ở người lao động là 7,06/1.000 người/năm. Còn theo thống kê tại Bệnh viện Việt - Đức, có tới hơn 40% số bệnh nhân cấp cứu chấn thương là do tai nạn lao động (TNLĐ). Rõ ràng là tình hình TNLĐ vẫn rất đáng lo ngại.
 
Những tai nạn thương tâm...
 
Hiện nay, ở nhiều nhà máy, xí nghiệp (đặc biệt là của tư nhân)... vấn đề an toàn và vệ sinh lao động chưa được coi trọng đúng mức. Nhiều người lao động mắc bệnh nghề nghiệp và tai nạn đáng tiếc thường xảy ra, cướp đi sinh mạng hoặc để lại thương tật vĩnh viễn cho họ. Tại Việt Nam, trung bình mỗi năm có 5.000 người bị TNLĐ, trong đó có khoảng 500 người tử vong. Riêng năm 2010, theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cả nước đã xảy ra 5.125 vụ TNLĐ với 5.307 người bị nạn, trong đó có 600 người chết, 1.260 người bị thương nặng. Tổng thiệt hại về vật chất lên tới 137,5 tỷ đồng và số ngày nghỉ do TNLĐ là 75.454 ngày. Lĩnh vực sản xuất gây ra nhiều TNLĐ chết người là xây lắp các công trình dân dụng, công nghiệp và công trình giao thông (chiếm 51,11%); khai thác than, khoáng sản (15,53%); cơ khí chế tạo (5,93%); sản xuất vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng, giao thông vận tải, luyện kim, xây lắp điện mỗi lĩnh vực chiếm hơn 2,2%... Tỷ lệ công nhân lao động tự do bị TNLĐ cao hơn 26% so với nhóm công nhân lao động chính thức.
 
bao-ho-lao-dong
 
Người lao động cần có các trang thiết bị bảo hộ lao động để tránh những tai nạn rủi ro xảy ra. Ảnh: Thái Hiền

Đáng lưu ý, đa số trường hợp người bị TNLĐ ở độ tuổi sung sức. Tại Phòng Cấp cứu (Khoa Khám bệnh) BV Việt - Đức, trung bình mỗi ngày cấp cứu 6-7 trường hợp nặng do TNLĐ. Nhiều trường hợp tai nạn rất thương tâm. Điển hình như anh Bùi Văn H. (Thanh Miện, Hải Dương), 25 tuổi, khi đang sử dụng máy xén đất để làm gạch mộc tại gia đình, do sơ ý đã bị máy cắt cụt bàn chân. Anh Nguyễn Văn M. (Tiền Hải, Thái Bình), 35 tuổi, nhập viện trong tình trạng một thanh sắt dài gần 1m cắm xuyên qua bụng, chưa được rút ra… Những cảnh tượng này không hiếm gặp ở phòng cấp cứu ngoại của các bệnh viện lớn. Chi phí điều trị cho mỗi ca bệnh lên tới vài triệu, thậm chí hàng chục triệu đồng, một khoản tiền lớn đối với những gia đình ở nông thôn.
 
Thiết bị không an toàn 
 
Tại một số hội thảo khoa học do Bộ Y tế tổ chức mới đây, theo nhận định của các chuyên gia, số vụ TNLĐ có thể còn lớn hơn con số mà các cơ quan chức năng sơ bộ thống kê, bởi chế độ báo cáo định kỳ theo quy định vẫn chưa được nhiều đơn vị thực hiện. Nhiều trường hợp TNLĐ không khai báo, nhất là với công nhân hành nghề tự do hay các doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã, làng nghề...
 
Nguyên nhân dẫn đến TNLĐ đã được thống kê: 26,67% là từ thiết bị lao động không bảo đảm an toàn, 14,81% là do không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn; 14,07% vì tổ chức lao động chưa tốt; 14,07% do người lao động vi phạm quy trình an toàn lao động; 11,85% do chưa huấn luyện về an toàn lao động cho người lao động; gần 10% vì người lao động không có hoặc có nhưng không dùng phương tiện bảo vệ cá nhân... TNLĐ rất khó lường, nặng thì chết người, nhẹ thì cũng bị thương. Trong khi đó, nhiều đơn vị có người bị TNLĐ lại tìm cách trốn tránh trách nhiệm. Lực lượng thanh tra lao động chưa phát huy hết thẩm quyền trong việc xử phạt hành chính đối với những hành vi vi phạm luật lao động. Các ngành chức năng cũng chưa có biện pháp can thiệp kịp thời. Bởi vậy, gánh nặng bệnh tật do TNLĐ không ai khác là bản thân, gia đình người lao động và ngành y tế phải gánh chịu. 
 
Để chủ động phòng ngừa, giảm tối đa TNLĐ, cần tăng cường thanh tra việc thực hiện quy định của Nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động ở tất cả đơn vị có sử dụng lao động và xử lý thật nặng những trường hợp vi phạm. Có như vậy, người sử dụng lao động mới có ý thức thường xuyên đánh giá nguy cơ gây TNLĐ liên quan đến môi trường làm việc; kiểm tra máy, thiết bị... để bảo đảm cho người lao động được làm việc trong môi trường an toàn; xây dựng đầy đủ các quy trình, biện pháp làm việc an toàn.

Năm 2010, Việt Nam có 26.928 người mắc bệnh nghề nghiệp. Một số bệnh nghề nghiệp có tỷ lệ mắc cao là: bụi phổi - silic chiếm 75,1%, bệnh điếc do tiếng ồn 15,6%. Nguy cơ mất an toàn lao động của riêng lao động nữ trong ngành nghề nông nghiệp cao gấp 5 lần so với các ngành nghề khác, với 70% chị em có biểu hiện nhiễm độc thuốc bảo vệ thực vật. 40% phụ nữ làm việc ở những cơ sở sản xuất quy mô nhỏ, làng nghề, xí nghiệp bị mắc các bệnh về hô hấp, 55% mắc bệnh về xương khớp...
Tin bài liên quan
Loading...