Sản phẩm theo nghành
Thống kê truy cập
Số người online: 1
Tổng lượt truy cập: 10327
Hỗ trợ bán buôn - 091.3087288
Hỗ trợ kinh doanh - 024.3557.4374 096.4.047 288
Nóng thực phẩm không rõ nguồn gốc
Ngay từ những tháng đầu năm 2018, công tác giám sát an toàn thực phẩm (ATTP) tiếp tục được lực lượng chức năng liên ngành tích cực triển khai. Kết quả đánh giá cho thấy, việc sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông lâm thủy sản vẫn hết sức đáng lo ngại.
 
“Nóng” với sản phẩm quá hạn, không rõ nguồn gốc

5 giờ sáng ngày 27/3, chúng tôi theo chân đoàn công tác liên ngành Sở NN&PTNT và Sở Công Thương kiểm tra đột xuất Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Nhân Hòa, có địa chỉ tại số 21 ngõ 180 phố Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì. Đây là đơn vị cung cấp rau củ quả, sản phẩm gia súc, gia cầm cho 29 bếp ăn tập thể trên địa bàn Hà Nội.
 




 Lực lượng chức năng liên ngành kiểm tra việc bảo đảm các điều kiện về sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại cơ sở sản xuất tương ớt gia truyền Hòa Lan sáng 27/3. Ảnh: Trọng Tùng

Do bị thanh, kiểm tra đột xuất nên phải mất gần 1 tiếng đồng hồ, đại diện đơn vị này mới cung cấp được Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Thực tế quá trình kiểm tra cho thấy, dù đã được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, tuy nhiên, công ty này vẫn vi phạm một số quy định. Cụ thể, kho lạnh bảo quản thực phẩm không có hồ sơ ghi chép theo dõi nhiệt độ, hai bàn inox phục vụ sơ chế thực phẩm không bảo đảm nguyên tắc một chiều vào - ra sản phẩm. 5 nhân công làm việc tại công ty cũng không mang trang phục bảo hộ lao động theo quy định. 
 

Đặc biệt, khi kiểm tra kho lạnh của công ty, lực lượng chức năng phát hiện 52kg ruốc thịt lợn không ghi đầy đủ nhãn mác; 65 hộp bơ nhãn hiệu Meizan và 10 hộp sốt Mayonnaise đã hết hạn sử dụng. Ngay sau quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng đã yêu cầu công ty tự tiêu hủy số bơ Meizan và sốt Mayonnaise hết hạn sử dụng mà đơn vị này đã thu gom lại. Đồng thời, lấy mẫu ruốc thịt lợn và giá đỗ để kiểm nghiệm, đánh giá chỉ tiêu hóa lý và có hướng xử lý theo quy định pháp luật.

Đa dạng các loại hình thanh, kiểm tra

Vụ việc tại Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Nhân Hòa chỉ là một trong số hàng chục trường hợp cơ sở sản xuất, kinh doanh có vi phạm được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội và lực lượng liên ngành kiểm tra, phát hiện, lập biên bản xử lý từ đầu năm 2018.

Theo đánh giá, các vi phạm tập trung chủ yếu là sản phẩm hết hạn sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Cụ thể, thống kê từ đầu năm 2018 đến nay, số thực phẩm thuộc nhóm này bị thu giữ lên tới 1.550kg. Theo đó, lực lượng chức năng đã lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính trên 60 triệu đồng. Ngoài ra, có một công ty bị xử lý vì đăng ký địa điểm một nơi, nhưng lại tổ chức sản xuất, kinh doanh tại một địa điểm khác. Trong khi một cơ sở đăng ký sản xuất nem chua, giò sống, nhưng thời điểm kiểm tra lại phát hiện sản xuất thử nghiệm… xúc xích (?!)

Theo Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội Trần Mạnh Giang, dù thời gian qua TP đã chỉ đạo quyết liệt, các đơn vị liên quan cũng chủ động, tích cực vào cuộc, tuy nhiên, vấn đề ATTP vẫn hết sức đáng lo. Trong những tháng tới, khi bước vào giai đoạn mùa Hè, vấn đề ATTP hứa hẹn sẽ còn phức tạp hơn. Chính vì vậy, ngày từ cuối tháng 3/2018, Chi cục đã lên kế hoạch tăng cường công tác thanh, kiểm tra với nhiều hình thức, nhằm quản lý chặt chẽ vi phạm về sản xuất, kinh doanh. Theo đó, trong quý II/2018, đơn vị sẽ tiến hành thanh tra chuyên ngành 6 cơ sở, kiểm tra liên ngành 10 cơ sở, kiểm tra đột xuất tại 20 cơ sở.

Song song với công tác thanh, kiểm tra, Chi cục cũng sẽ lựa chọn phát triển hai chuỗi rau, hai chuỗi thịt để xây dựng nhãn hiệu và hỗ trợ 5 cơ sở xây dựng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến theo HACCP. Theo ông Giang, việc phát triển và nhân rộng những mô hình sản xuất sạch mới là hướng đi về lâu dài trong nỗ lực bảo đảm chất lượng ATTP.
Trong quý I/2018, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội đã tiến hành đánh giá, xếp loại 61 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản. Kết quả, có 32 cơ sở xếp loại B; 24 cơ sở xếp loại C và 5 cơ sở không đủ điều kiện đánh giá. 
 
Tin bài liên quan
Loading...