Sản phẩm theo nghành
Thống kê truy cập
Số người online: 1
Tổng lượt truy cập: 11175
Hỗ trợ bán buôn - 091.3087288
Hỗ trợ kinh doanh - 024.3557.4374 096.4.047 288
Nỗi lo mất an toàn vệ sinh lao động và ô nhiễm môi trường
Cho đến thời điểm này, tại hầu hết các lò gạch thủ công ở ngoại thành Hà Nội, hợp đồng lao động giữa chủ lò và người lao động được ký bằng… miệng; người lao động chưa được cấp đầy đủ dụng cụ bảo hộ. Trong khi đó, người lao động vẫn còn mang nặng ý thức tiểu nông về vệ sinh an toàn lao động. Vì thế, công nhân lò gạch đã và đang phải đối mặt với ô nhiễm môi trường, thậm chí “bán rẻ” cả tính mạng của mình để đổi lấy “miếng cơm, manh áo”.
 
Nguy hiểm luôn rình rập
 
Hẳn không ít người vẫn còn nhớ vụ sập lò gạch kinh hoàng xảy ra trên địa bàn thôn Cổ Châu, xã Châu Can, huyện Phú Xuyên vào tháng 1-2008. Thời điểm lò bị sập, có 22 phụ nữ đang bốc dỡ gạch ra khỏi lò. Đây là một trong những lò gạch thủ công không ống khói có công suất lớn nhất trên địa bàn huyện Phú Xuyên thời điểm đó (khoảng 40 vạn viên/lần đốt). Chiếc lò cao 30m bất ngờ đổ ập xuống khiến 5 người chết tại chỗ, 1 người khác chết tại bệnh viện. Sau khi tai nạn xảy ra, cơ quan chức năng đã có kết luận, đây là lò gạch hoạt động trái phép, đặc biệt, hợp đồng giữa chủ lò và những lao động ở đây hoàn toàn là hợp đồng… miệng.
 
Nhưng đáng tiếc, sau vụ tai nạn kể trên không vì thế mà lò gạch thủ công bị dẹp bỏ, thậm chí qua các năm lại mọc thêm nhiều lò gạch mới, tiếp tục đun đốt, “ăn” đất ruộng, đất bãi và tiếp tục làm chết người. Điển hình như vụ ngạt khí lò gạch khiến 3 người tử vong tại thôn Lai Sơn, xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn ngày 15- 11 vừa qua. Khi cơ quan chức năng vào cuộc, người ta không khỏi giật mình khi được biết có quá nhiều lò gạch thủ công hoạt động trái phép suốt ngày đêm mà chính quyền địa phương không hay biết hoặc cố tình không biết.
 
 
Lao động tại các lò gạch thủ công khu vực ngoại thành Hà Nội hầu như không được trang bị bảo hộ lao động
 
Theo ghi nhận của phóng viên Hànộimới Online đến thời thời điểm này, tại các huyện ngoại thành Hà Nội vẫn còn hàng nghìn lò gạch thủ công đang ngày đêm nhả khói; đất ruộng, đất bãi vẫn bị xới tung để nung gạch. Và trên hết, theo đánh giá của cơ quan chức năng, tính mạng của hàng nghìn lao động tại các lò gạch thủ công lúc nào cũng như “chỉ mành treo chuông trước gió”!
 
Bản thân người lao động tại lò gạch thủ công cũng chưa nhận thức được cần phải thực hiện vệ sinh an toàn lao động trong công việc
 
Sau nhiều vụ tai nạn do sản xuất gạch thủ công gây ra, song trên thực tế nhận thức về an toàn vệ sinh lao động trong hoạt động đun đốt gạch thủ công trên địa nhiều xã, thị trấn ở Hà Nội dường như vẫn chưa hề có sự thay đổi. Lao động vẫn trực tiếp tham gia đun đốt lò, tham gia bốc dỡ, ra vào lò gạch mà gần như không cần có bất kỳ đồ bảo hộ lao động; tại hầu hết các lò gạch, hợp đồng lao động giữa chủ lò và người lao động vẫn chỉ bằng miệng. Chị Nguyễn Thị Hạnh, xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên cho biết, cả nhà chị đều làm thuê tại lò gạch trên địa bàn. Bản thân chị tham gia gánh gạch, chồng và đứa con trai thì bốc xếp gạch thuê, trung bình mỗi ngày, mỗi người cũng “kiếm” được 100.000 đồng. Với thu nhập đó cao hơn rất nhiều lần so với làm ruộng. Chị Hạnh bộc bạch, làm ruộng cũng chỉ theo thời vụ, trên địa bàn thôn, xã lại chẳng có nghề phụ gì, nên hầu hết thời gian trong năm, cả nhà đều đi làm thuê cho các chủ lò gạch. Khi được hỏi về hợp đồng lao động, quyền và lợi ích trong trường hợp rủi ro, chị Hạnh tỏ ra rất ngạc nhiên. Chị bảo, hàng trăm lao động lò gạch như chị từ trước đến nay chưa bao giờ nghe nói về hợp đồng lao động, chỉ biết đi làm thuê, ngày nào tính công ngày ấy.
 

Kể cả lò gạch thủ công cải tiến có ống khói vẫn gây ô nhiễm môi trường

Mức độ ô nhiễm môi trường được đo… bằng trực quan
 
Như đã đề cập ở trên, hàng nghìn lò gạch thủ công đang tồn tại ở khu vực ngoại thành Hà Nội đến thời điểm này, chiếm đến 2/3 là lò gạch không ống khói với “công nghệ” đun đốt từ những năm 70 của thế kỷ trước. Theo ông Hà Ngọc Hồng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, kiểu lò gạch thủ công không có ống khói gây ô nhiễm nghiêm trọng, thường xuyên gây thiệt hại về tài sản, hoa màu, cây cối xung quanh. Ngoài ra, loại lò này mức độ an toàn thấp, dễ xảy ra tai nạn do việc đắp lò quá sơ sài, chỉ xếp gạch bên ngoài và trát đất. Vụ ngạt khói lò gạch khiến 3 người tử vong tại huyện Sóc Sơn vừa qua là một minh chứng.
 
              
 
Tất nhiên, lò gạch thủ công không ống khói mức độ mất an toàn lao động cao hơn, mức độ ô nhiễm môi trường càng cao hơn lò có ống khói
 
Tuy nhiên, trên thực tế, không chỉ lò gạch thủ công không ống khói gây ô nhiễm môi trường, mà ngay cả lò gạch thủ công cải tiến có ống khói vẫn có thể “đầu độc” môi trường xung quanh. Còn nhớ vụ táp cháy hàng trăm héc ta lúa xuân mới cấy của 5- 6 xã thuộc huyện Thường Tín vào đầu năm 2009 do khói lò gạch thủ công có ống khói trên địa bàn xã Thống Nhất gây ra. Tiếp đến là vụ mùa năm 2009, cũng lại do các lò gạch thủ công có ống khói “thiêu” gần như rụi nhiều ruộng lúa đang trổ bông tại các xã dọc đê hữu Hồng của huyện Phú Xuyên. Gần đây nhất là vụ mùa năm 2010, khói lò gạch thủ công tại xã Quãng Lãng, huyện Phú Xuyên, tất nhiên là có ống khói, cũng đã làm táp cháy hàng trăm héc ta lúa, hoa màu của nhiều xã trong vùng. Điều đáng nói, cho đến thời điểm này, chưa có cơ quan chức năng nào công bố số liệu về số vụ khói lò làm chết lúa, hoa màu, cây ăn quả, nhất là mức độ ô nhiễm môi trường do khói lò thủ công gây ra như thế nào. Trao đổi với nhiều người dân và cả cán bộ các xã có lò gạch thủ công đang hoạt động, họ đều cho rằng lò gạch có gây ô nhiễm môi trường, nhưng chủ yếu là do họ cảm nhận bằng trực quan. Bởi vậy, muốn biết mức độ ô nhiễm khói lò gạch nặng hay nhẹ chỉ cần quan sát cây ăn quả, hoa màu quanh vùng là biết được…
 
 
Cho đến thời điểm này, đo mức độ ô nhiễm của lò gạch thủ công tại ngoại thành Hà Nội vẫn chỉ là quan sát độ cháy, táp của cây cối
 
Ông Hà Ngọc Hồng cho biết thêm, ngoài ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, việc đun đốt lò gạch, ngói thủ công, nhất là lò gạch thủ công không ống khói hầu hết là tự phát, không có dự án được duyệt theo quy hoạch của thành phố, hoặc các đơn vị lợi dụng việc cải tạo đất, đào ao nuôi trồng thủy sản để sản xuất gạch. “Việc khai thác nguyên liệu đất sét để sản xuất gạch thủ công tại một số địa phương chưa được chính quyền kiểm soát chặt chẽ đặc biệt là ở cấp xã”, ông Hồng nhấn mạnh.
 
Tin bài liên quan
Loading...