Sản phẩm theo nghành
Thống kê truy cập
Số người online: 2
Tổng lượt truy cập: 10757
Hỗ trợ bán buôn - 091.3087288
Hỗ trợ kinh doanh - 024.3557.4374 096.4.047 288
Mua thuốc diệt cỏ ở vùng cao dễ như mua rau: Nhà quản lý ở đâu?
 Mỗi năm, các tỉnh Tây Bắc sử dụng trên 500 tấn thuốc diệt cỏ. Việc sử dụng tùy tiện đã và đang hủy hoại sức khỏe, môi trường sống.
 

 
Bán thuốc BVTV ở chợ vùng cao như bán củ khoai, củ sắn.

Thuốc diệt cỏ được coi là chất cực độc, nhưng việc mua bán, sử dụng ở vùng cao Tây Bắc gần 20 năm nay diễn ra tùy tiện, công khai, bất chấp qui định, qui trình, nhiều người dân biến loại thuốc này thành “sát thủ” cướp đi mạng sống hàng trăm con người. Theo thống kê, mỗi năm, các tỉnh Tây Bắc sử dụng trên 500 tấn thuốc diệt cỏ. Việc sử dụng tùy tiện thuốc diệt cỏ đã và đang dẫn đến hệ lụy: hủy hoại sức khỏe con người và hủy hoại môi trường sống, hủy hoại thế hệ tương lai. Vậy việc quản lý kinh doanh loại hàng hóa “có điều kiện” này được các tỉnh Tây Bắc thực hiện ra sao?
 
Trong vai những người đi mua thuốc diệt cỏ, chúng tôi khá dễ dàng ghi nhận nhiều bằng chứng về việc mua bán rất dễ và muốn mua bao nhiêu cũng được loại hàng hóa cực độc được Nhà nước yêu cầu quản lý chặt.
 
Những người bán thuốc diệt cỏ đều biết đây là loại thuốc có độ độc cao, song vì nhu cầu người mua và các cơ quan chức năng cũng chưa siết chặt quản lý, nên bán rất thoải mái mà không mảy may suy nghĩ.
 
 

 
Nhiều người dân ở Tây Bắc còn chủ quan khi sử dụng thuốc diệt cỏ.

Một chủ cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn xã Noong Luống, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên vô tư giải thích về công dụng diệt cỏ, còn việc ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe và môi trường thì không nhắc đến.
 
“Cái loại này chết cả rễ, nó mục hết. Có người họ phun chết cháy hết ngay để làm vườn, cây cao phun vào cũng ảnh hưởng, cũng chết hết, làm mục hết rễ. Khi chúng tôi phổ biến cho những người họ mua phun ở bờ lúa lấy cái này họ phun nên đất nó nhoét hết ra”, chủ hàng thuốc bảo vệ thực vật nói.
 
Chị Lường Thị Long, ở bản Mờn 1, xã Chiềng Lương, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La cho biết, nhà có 5 héc ta trồng ngô, mía, thuốc diệt cỏ được dùng thường xuyên mỗi vụ sản xuất. Theo chị, nhà có 4 lao động, nên việc dùng thuốc diệt cỏ giảm bớt thời gian lao động, không phải thuê người làm.
 
Theo chị Long, cả bản của chị, nhà ai làm nông nghiệp cũng đua nhau dùng thuốc diệt cỏ, như phong trào. Mỗi khi đi phun thuốc, thấy người rất khó chịu, nhưng thấy nhà nào cũng làm, nên cứ thế mà làm thôi. Hỏi chị về thực hiện nguyên tắc 4 đúng cơ bản nhất trong qui trình phun thuốc là: đúng thuốc, đúng thời điểm, đúng thành phần và đúng liều lượng, chị chỉ cười trừ: “không biết đâu, cả bản mình đều thế mà, cứ làm theo nhau thôi”.
 
“Bà con ở bản đi phun thuốc vì nắng nóng nên chẳng ai mặc quần áo bảo hộ lao động, khẩu trang cũng chẳng dùng, hầu như ai cũng thế hết, chắc vì dùng nhiều nên chúng tôi cũng quen với mùi của nó rồi. Vẫn biết sau này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mình, nhưng giờ thấy chẳng sao nên kệ thôi”, chị Long cho hay.
 
 
 

 
Người dân mua thuốc diệt cỏ (thuốc cháy) loại nào, bao nhiêu cũng dễ dàng được đáp ứng.

Khi mua, người dân chỉ biết đến một tác dụng duy nhất mà người kinh doanh vô tư quảng cáo là cháy nhanh và cháy chậm, thích mua bao nhiêu cũng được. Còn cách phun thế nào để đảm bảo sức khỏe, trang bị bảo hộ lao động ra sao, ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe, đến môi trường, thì có hỏi họ cũng rất lơ mơ.
 
Chợ phiên xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai hết sức đặc biệt vì mỗi tuần chỉ họp một phiên vào đúng thứ 4 và là một trong những chợ phiên quy mô lớn nhất của tỉnh. Bên cạnh "thượng vàng hạ cám" các loại hàng hóa xen lẫn sắc màu trang phục rực rỡ của đồng bào bản địa thì hàng chục quầy sạp với cả đống thuốc bảo vệ thực vật đa nhãn mác được bày bán tràn lan tại đây.
 
Trên mỗi sạp hàng, không kể đến các loại hạt giống thì thuốc bảo vệ thực vật dán nhãn chữ Việt và chữ Trung Quốc được bày cùng với nhau. Rất dễ nhận biết chúng bởi thứ mùi hắc nồng đặc trưng. Vậy nhưng những người xung quanh không ai có phản ứng, kể cả những người đang ăn vặt hay phụ nữ cho con bú.
 
Dân vùng cao đi chợ, rất nhiều người ghé qua mua thuốc bảo vệ thực vật. Với giá trung bình 10 nghìn đồng/gói thuốc diệt cỏ loại bột và từ 30 – 50 nghìn đồng/chai thuốc trừ sâu dạng nước, các gia đình cứ dùng hết lại ra chợ phiên mua.
 
“Thuốc này mình dùng thử được một năm rồi, để phun sâu cây lúa rất tốt. Ruộng nhiều thì phải dùng nhiều, ít thì 1 – 2 chai là đủ. Bình thường mình hay ra chợ mua vì ở chợ nó bán rẻ”, anh Giàng Seo Dơ, xã Nàn Sín, huyện Si Ma Cai nói.
 

 
Một tấm biển cảnh báo thuốc BVTV độc như lá ngón cho bà con.
 
Hiện nay, kinh tế chủ đạo của Lai Châu và vùng Tây Bắc nói chung là nông nghiệp, vì vậy mặt hàng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật càng phát triển rộng khắp. Theo số liệu từ các cơ quan chức năng địa phương cung cấp, hiện toàn tỉnh có gần 150 cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh buôn bán. Mỗi năm người dân sử dụng từ 60 đến 70 tấn thuốc bảo vệ thực vật, trong đó khoảng 2/3 là thuốc diệt cỏ.
 
Tuy nhiên, tại các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới vẫn xuất hiện tình trạng hộ gia đình kinh doanh tại nhà mà không được cấp phép, trong đó có một số cửa hàng vẫn bán các loại thuốc không rõ nguồn gốc, gây khó khăn cho công tác quản lý.
 
Bà Trương Thị Nhàn, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu cho biết: “Chi cục cũng đã tăng cường hoạt động thanh, kiểm tra để nâng cao nhận thức của các hộ kinh doanh, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, trong việc tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. Đặc biệt là ở các khu vực vùng biên thì chúng tôi cũng tuyên truyền bà con không kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc, thuốc nhập lậu. Việc người nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho các mục đích khác thì cái này cũng ngoài tầm kiểm soát, cần phải tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp chính quyên và các thôn bản”.
 
 
 

Đa dạng chủng loại thuốc diệt cỏ được bán.

Chuyện mua bán thuốc bảo vệ thực vật tại chợ phiên Sín Chéng chỉ là một trong những ví dụ điển hình ở Lào Cai. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện vẫn còn 25 xã và 5 chợ phiên đang tồn tại các điểm bán lẻ thuốc bảo vệ thực vật không phép, tất cả đều nằm tại các khu vực vùng cao thuộc các huyện Bắc Hà, Mường Khương, Si Ma Cai, Bát Xát.
 
Ông Vi Văn Phát, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lào Cai cho biết, nghịch lý về cung cầu là nguyên nhân chính dẫn đến câu chuyện này. Trước mắt, trên toàn tỉnh có tất cả 204 điểm bán thuốc bảo vệ thực vật được cấp phép thì có tới 160 điểm nằm ở các vùng thấp, còn cả một dải vùng cao rộng lớn lại chỉ có 44 điểm bán.
 
Do đó, thay vì tới số ít các điểm đại lý đặt tại các cụm xã này thì người dân vùng cao thường ra các chợ gần nhà, đỡ phải đi xa lại được giá rẻ. Tuy nhiên, để cân đối với vùng thấp thì việc mở rộng đại lý ở vùng cao không hề dễ dàng, mặc dù Chi cục luôn khuyến khích các công ty, cá nhân mở rộng đại lý lên địa bàn này nhưng thường không nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ.
 
“Đối với các vùng thấp thì các đại lý bố trí tương đối đồng đều. Còn hiện nay tại vùng cao thì số đại lý đăng ký tương đối ít. Chính vì thế việc cung ứng tại địa bàn này rất khó khăn. Đối với một số bà con người dân tộc thiểu số ở vùng cao, chúng tôi đã tổ chức các lớp tập huấn và mời họ đến, mặc dù bà con đến dự nhưng sau đó cũng không tham gia đăng ký kinh doanh mặt hàng này”, ông Vi Văn Phát nói.
 
Việc mua bán, sử dụng tùy tiện, bừa bãi thuốc diệt cỏ đã và đang trở thành thảm họa đối với đồng bào vùng cao Tây Bắc. Vậy ý kiến người dân, các ngành chức năng về vấn đề này như thế nào trong công tác quản lý loại thuốc cực độc này./.
 
Nhóm Phóng viên/VOV - Tây Bắc
 
Tin bài liên quan
Loading...