Sản phẩm theo nghành
Thống kê truy cập
Số người online: 1
Tổng lượt truy cập: 10481
Hỗ trợ bán buôn - 091.3087288
Hỗ trợ kinh doanh - 024.3557.4374 096.4.047 288
Khó xóa bỏ lò vôi thủ công gây ô nhiễm tại Thái Bình
Theo lộ trình đến tháng 8/2017, tỉnh Thái Bình sẽ hoàn thành xóa bỏ toàn bộ 64 lò sản xuất vôi tại khu vực cầu Nghìn (thị trấn An Bài, huyện Quỳnh Phụ). Tuy nhiên, đến nay công tác này đang gặp khó khăn do một số chủ lò tiếp tục nhập thêm nguyên vật liệu để sản xuất gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến tiến độ xóa bỏ các lò sản xuất vôi tại khu vực này. 
 

 
Có 25 lò vôi của 15 hộ sản xuất nằm trong đất ở khu dân cư và hành lang bảo vệ cầu, đường Quốc lộ 10, vi phạm luật đê điều. Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN

Trước đây, trong thời kỳ bao cấp Xí nghiệp vôi cầu Nghìn là doanh nghiệp nhà nước. Khi chế độ bao cấp xóa bỏ, doanh nghiệp này hoạt động không có hiệu quả và giải thể, chuyển đổi cho các hộ cá nhân sản xuất, kinh doanh vôi. 
 
Sau nhiều năm hoạt động, nghề sản xuất vôi tại khu vực cầu Nghìn là nghề truyền thống đã được UBND tỉnh Thái Bình công nhận là làng nghề sản xuất vật liệu xây dựng, vôi với 30 cơ sở sản xuất, kinh doanh vôi với 64 lò thủ công, 115 ruột lò. Sản lượng vôi đạt từ 1.100 -1.500 tấn/ngày, bình quân 10-12 tấn/ngày. 
 
Do công nghệ sản xuất đều là loại lò vôi thủ công liên hoàn, thô sơ lạc hậu nên hoạt động sản xuất kinh doanh vôi tại đây đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân và cảnh quan khu vực. 
 
 
 
Người lao động làm việc trên miệng lò cao khoảng 30m không mang bảo hộ lao động, đeo dây an toàn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động. Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN
 

Ngày 26/12/2016, UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành Quyết định số 3942/QĐ-UBND phê duyệt Đề án xóa bỏ lò sản xuất vôi tại khu vực cầu Nghìn (thuộc thị trấn An Bài, huyện Quỳnh Phụ). Mục tiêu của Đề án, đến tháng 8/2017 sẽ xóa bỏ toàn bộ 64 lò vôi với 115 ruột lò tại khu vực này để đảm bảo môi trường và sức khỏe cho người dân, đảm bảo hành lang thoát lũ và hành lang an toàn giao thông Quốc lộ 10 khu vực cầu Nghìn. 
 
Để đạt mục tiêu này, tỉnh Thái Bình đã xây dựng cơ chế hỗ trợ xóa bỏ lò vôi. Cụ thể từ tháng 1 đến tháng 8/2017, các chủ lò hoàn thành việc tháo dỡ lò vôi, vận chuyển phế thải đến nơi quy định sẽ được hỗ trợ bình quân từ 264 - 440 triệu đồng/ống lò. 
 
Sau tháng 8/2017 các chủ lò thực hiện tháo dỡ sẽ không được hỗ trợ. Ngoài ra, người lao động hoạt động tại đây cũng được hỗ trợ kinh phí trong đó 1.413 lao động thường xuyên nhận mức hỗ trợ 6 tháng lương thực, tương ứng 1,6 triệu đồng/người/tháng; 143 lao động không thường xuyên mức hỗ trợ 4 tháng lương thực, tương ứng 1,1 triệu đồng/người/tháng. Tổng kinh phí hỗ trợ thực hiện Đề án khoảng 59 tỷ đồng. 
 
 

 
Sự xuống cấp của một lò vôi liên hoàn; vết nứt rộng, chạy dọc theo thân lò vôi tiềm ẩn nguy cơ không an toàn, đe dọa tính mạng người lao động. Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN

Ông Phạm Đức Thuận, Chủ tịch UBND thị trấn An Bài cho biết, đến nay đã hoàn thành việc tháo dỡ 55 ruột lò, đang tiến hành tháo dỡ 12 ruột; 48 ruột lò chưa được đăng ký tháo dỡ. Còn 8 hộ trong tổng số 30 hộ chưa thực hiện phá dỡ lò sản xuất nào. Tổng kinh phí hỗ trợ địa phương đã giải ngân là 26 tỷ đồng. 
 
Mặc dù địa phương đã tổ chức tuyên truyền về nội dung, lộ trình thực hiện đề án này tới các hộ sản xuất song gần đây xuất hiện tình trạng các phương tiện chở nguyên vật liệu sản xuất vôi tập kết tại khu vực cầu Nghìn để cung cấp cho các chủ lò tiếp tục hoạt động. 
 
Trước tình trạng này, từ ngày 21/4 thị trấn An Bài đã lập 2 tổ chốt tại 2 tuyến đường dân sinh thuộc khu vực cầu Nghìn nhằm kiểm soát hoạt động này. Tuy nhiên do lực lượng mỏng, không có chế tài xử phạt nên việc kiểm soát này càng khó khăn. 
 
Ông Phạm Đức Thuận nhấn mạnh: “Nếu không hạn chế được việc nhập nguyên vật liệu đầu vào này thì lộ trình tháo dỡ toàn bộ 115 ruột lò đến 31/8/2017 sẽ rất khó hoàn thành”. Biện pháp địa phương đang tích cực thực hiện là đẩy mạnh tuyên truyền tới các chủ hộ sản xuất, trong đó lưu ý chủ trương của tỉnh nếu sau mốc thời gian tháng 8/2017, các chủ hộ không chủ động tháo dỡ lò sản xuất sẽ không nhận được cơ chế hỗ trợ của tỉnh. 

 

 
Số lao động tham gia sản xuất tại "thủ phủ" lò vôi này là hơn 1.600 người, chủ yếu là người dân trên địa bàn thị trấn và khu vực phụ cận. Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN

Nhằm ngăn chặn tình trạng vi phạm tiến độ xóa bỏ lò sản xuất vôi tại khu vực cầu Nghìn, ngày 29/4 UBND tỉnh Thái Bình đã có công văn 1604 yêu cầu Công an tỉnh, Sở Giao thông Vận tải và UBND huyện Quỳnh Phụ tăng cường lực lượng, kết hợp chặt chẽ trong kiểm tra, kiểm soát và nghiêm cấm tất cả các loại phương tiện chở các loại nguyên vật liệu để sản xuất vôi (than, đá ...) tập kết tại khu vực cầu Nghìn. Đồng thời, tổ chức thực hiện ngay việc cắm biển báo cấm các loại phương tiện chở vật liệu vào khu vực này; xử lý nghiêm các chủ phương tiện cố tình vi phạm, chống đối. 
 
Địa phương phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng của TP. Hải Phòng kiểm soát, ngăn chặn kịp thời các phương tiện chở nguyên vật liệu vào khu vực cầu Nghìn để sản xuất vôi. Bên cạnh đó, huyện Quỳnh Phụ, thị trấn An Bài tiếp tục rà soát, thống kê lượng nguyên vật liệu hiện còn tồn đọng, tạo điều kiện, hướng dẫn, đôn đốc các chủ lò khẩn trương lập kế hoạch sử dụng toàn bộ số nguyên vật liệu còn lại với kế hoạch, thời gian cụ thể. 
 
Chủ tịch Thị trấn An Bài Phạm Đức Thuận cho biết thêm, sau khi tiến hành xóa bỏ các lò sản xuất vôi theo lộ trình đã đề ra, chính quyền sẽ tiến hành quy hoạch tổng thể đất đai sản xuất trong khu vực, giúp người dân ổn định cuộc sống, đặc biệt là các lao động tham gia tại các lò sản xuất vôi trước đây.
 
Thu Hoài (TTXVN)
Tin bài liên quan
Loading...