Sản phẩm theo nghành
Thống kê truy cập
Số người online: 2
Tổng lượt truy cập: 10472
Hỗ trợ bán buôn - 091.3087288
Hỗ trợ kinh doanh - 024.3557.4374 096.4.047 288
Cháy tòa tháp đôi chọc trời

TT - 20g ngày 15-12, đám cháy tại tòa tháp đôi (cao 29 và 33 tầng) đang xây dựng ở  Hà Nội được dập tắt. Trước đó, hàng trăm cảnh sát và 70 bộ đội đặc công tham gia cứu hơn 30 người bị kẹt trong tòa tháp.

 

Khối nhà 33 tầng của tòa tháp đôi chìm ngập trong khói - Ảnh: Việt Dũng

Tòa nhà xảy ra vụ cháy sẽ là Trung tâm điều hành và thông tin viễn thông của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Vụ cháy xảy ra lúc chiều 15-12, kéo dài bốn giờ mới được dập tắt, dù không có người thiệt mạng nhưng công tác cứu nạn cho thấy vẫn còn nhiều bất cập.

 

Đưa nạn nhân xuống bằng đường giàn giáo - Ảnh: Lâm Hoài

Nổ ở tầng hầm số 3

Anh Chu Quang Học, công nhân Công ty cổ phần xây dựng TID, người có mặt tại khu vực tầng hầm, cho biết khi đang thi công công trình bỗng nghe thấy một tiếng nổ lớn ở tầng hầm số 3 của tòa nhà. Ngay sau khi có tiếng nổ, khói đen và lửa đùn qua cánh cửa khiến toàn bộ công nhân trong khu vực hoảng loạn, hò hét nhau vứt bỏ mọi thứ để chạy thoát thân.

Ngay sau lưng công nhân là những cuộn khói đen kịt đùn lên hai cửa hầm và các cửa thông gió. Khói đen nhanh chóng bốc lên theo hệ thống đường ống kỹ thuật và các cửa dẫn lên đường cầu thang bộ của khối nhà 33 tầng. Theo các công nhân, do khu vực tầng hầm có phần trần nhà bằng xốp và các thiết bị bắt cháy nên ngọn lửa nhanh chóng bao trùm toàn bộ khu vực. Xốp cùng hệ thống dây điện cháy khiến khói đen, khói độc lan mù mịt.

Ngọn lửa phát ra tại khu vực của tầng hầm gây cháy lan sang nhiều điểm của tòa tháp, toàn bộ hai tòa tháp bị nhấn chìm trong đám khói khổng lồ. Cột khói trùm kín tòa tháp và cuộn cao ngất phủ đen kịt cả một vùng, đứng từ xa tận cầu Long Biên, Thăng Long cũng có thể thấy rõ mồn một.

Khi vụ cháy xảy ra, hàng chục công nhân vẫn đang mắc kẹt tại các tầng trên của tòa nhà. Ông Lê Văn Binh, đang làm việc trên tầng cao của tòa tháp A, kể lại: khi thấy khói, mọi người bỏ chạy theo cầu thang bộ xuống tầng 1 nhưng khói đen, nhiệt độ cao khiến mọi người lại phải chạy ngược lên trên. Một số chạy ra bancông tầng 5, một số chạy thẳng lên các tầng cao, dồn ra hướng bắc của tòa tháp A, khu vực đầu gió để tránh khói.

Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội đã huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ tham gia chữa cháy. Ba xe thang gồm hai xe thang 52m và một xe thang 32m được điều đến ứng cứu.

 

Các nạn nhân được dìu ra xe cấp cứu - Ảnh: Nguyễn Khánh

Sử dụng mọi phương tiện cứu người

Tại hiện trường, đại tá Đoàn Hữu Thắng (phó cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC) và đại tá Tô Xuân Thiều (phó giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội) cùng tham gia chỉ huy hai mũi: chữa cháy và cứu nạn. Ở mũi cứu nạn, ông Thiều chỉ đạo các xe thang vươn tới mức cao nhất để đưa công nhân xuống. Tuy nhiên, chỉ có bảy người được đưa xuống bằng xe thang, do tòa nhà cao trên 100m nên xe thang không thể vươn tới.

Lực lượng cảnh sát PCCC phải chia làm nhiều hướng tiếp cận bằng cầu thang bộ, rà soát các tầng cứu người bị nạn. Cho đến cuối buổi cứu nạn cũng chỉ có một nạn nhân được đưa xuống bằng đường cầu thang bộ. Trước tình thế này, công nhân tại công trình phải lắp đặt, vận hành một vận thăng bằng ròng rọc (dùng để vận chuyển vật liệu) bên ngoài tòa nhà bằng phương pháp thủ công để tiếp cận tầng 33 và tầng thượng của tòa nhà, đưa các công nhân bị nạn xuống. Tại các tầng, công nhân sử dụng đèn pin, đèn điện thoại soi xuống, dùng áo trắng để vẫy từ các cửa sổ cầu cứu. Bên dưới, 70 chiến sĩ đặc công của Bộ tư lệnh thủ đô túc trực đón người bị nạn, chuyển ra cho lực lượng y tế trực sẵn đưa đi cấp cứu.

Vừa được cứu nạn bằng ròng rọc vận thăng đưa từ tầng 33 xuống, ông Ngô Quốc Việt (59 tuổi, công nhân Công ty TID) hổn hển nói: “Trên đó còn nhiều lắm, khoảng 20 người chưa xuống được, khói đen cuồn cuộn, không thở nổi”. Bình tĩnh một chút, ông Việt cho biết đang cùng một nhóm công nhân lắp đặt hệ thống thông gió ở trên thì nghe thấy tiếng nổ. Mọi người còn chưa hiểu chuyện gì xảy ra đã thấy khói đen bốc lên ngùn ngụt.

Sợ quá, ông Việt cùng mọi người chạy xuống nhưng không nhìn thấy đường, lại phải chạy lên cao cho đến khi không còn đường lên nữa. “Đến khi có ròng rọc chạy lên, mỗi lần chỉ đưa được vài người xuống, tôi lớn tuổi nên được ưu tiên đưa xuống trước” - ông Việt nói. Chiếc vận thăng này bình thường chỉ được sử dụng đưa hàng hóa, vật liệu lên các tầng cao để lắp đặt chứ chưa bao giờ vận chuyển người. Theo ông Việt, trong quá trình chạy từ tầng 33 xuống, ròng rọc luôn rung, lắc khiến công nhân sợ đứt... hơi.

 

Một công nhân vừa được nhân viên cứu hộ đưa ra khỏi đám cháy - Ảnh: Nguyễn Khánh

Để tiếp cận điểm cháy tại tầng hầm số 3 phải có mặt nạ và bình oxy nhưng lực lượng PCCC Hà Nội không đủ, Cục Cảnh sát PCCC phải chi viện khẩn cấp 10 bộ mặt nạ. Các cán bộ chiến sĩ PCCC tập trung vòi phun vào vị trí cháy trạm biến áp ở tầng hầm 3, khống chế và dập tắt đám cháy, không để xảy ra nổ thùng dầu biến áp. Cùng lúc đó, một mũi được huy động tiến hành dập tắt đám cháy đang lan theo đường ống kỹ thuật cháy lên đến tầng 30. Đến khoảng 20g cùng ngày, đám cháy đã được dập tắt.

Ngay sau khi dập tắt đám cháy, đại tá Tô Xuân Thiều trao đổi ngắn về vụ cháy. Ông Thiều cho biết các trinh sát xác định điểm cháy nằm tại tầng hầm, sau đó lan sang các hộp, các đường ống kỹ thuật và cháy lan theo đường kỹ thuật lên cả 30 tầng. Đám cháy lớn, vật liệu cháy là mút xốp, dây điện bắt lửa nhanh, phát ra khí độc ảnh hưởng đến người bị nạn và lực lượng PCCC. Các mũi chiến sĩ PCCC tiếp cận theo đường cầu thang bộ gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí bị ngạt khi lên các tầng trên và xuống tầng hầm. Các cầu thang bộ còn bị khóa cửa từng tầng nên phải phá cửa, phải sử dụng xe thang cứu người bị nạn.

Trả lời câu hỏi về việc xe thang không vươn lên được các tầng cao, đại tá Tô Xuân Thiều nói: “Về xe thang, không phải Việt Nam mà thế giới cũng chỉ hạn chế ở một độ cao nhất định. Bản thân các tòa nhà cao tầng phải chú trọng công tác PCCC, đảm bảo đủ hệ thống chữa cháy của tòa nhà, hệ thống thoát hiểm phải đảm bảo. Tòa nhà này chưa đưa vào sử dụng, hệ thống PCCC còn đang thi công chưa hoàn thiện nên không thể sử dụng trong vụ hỏa hoạn này”.

MINH QUANG - LÂM HOÀI

 

EVN xác nhận vụ cháy

Chiều tối qua, EVN đã ra thông cáo xác nhận vụ cháy xảy ra tại dự án tòa nhà tháp đôi là trụ sở của EVN, trụ sở này đang trong quá trình xây dựng tại số 11 phố Cửa Bắc, Hà Nội.

EVN khẳng định đến thời điểm tối 15-12 không có người thiệt mạng. Hiện EVN đang tích cực phối hợp với các lực lượng thực hiện công tác cứu hộ. Thông tin ban đầu, EVN cũng xác nhận đám cháy xuất phát từ tầng hầm của tòa nhà.

Tòa tháp Điện lực Việt Nam (Electricity of Vietnam Tower) gồm ba tầng hầm, khối đế bốn tầng, hai tòa tháp 33 tầng và 29 tầng, tại địa chỉ số 11 Cửa Bắc, Q.Ba Đình.

Thông tin từ website của Tập đoàn Soletanche Bachy (đơn vị trúng thầu thi công công trình), tháng 6-2007 ban quản lý dự án xây dựng dân dụng của EVN trao hợp đồng thi công xây dựng phần thô và hoàn thiện công trình này cho liên danh ba đơn vị là Vinaconex JSC, Công ty Xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh và Công ty Bachy Soletanche Việt Nam (BSV), với tổng trị giá hơn 570 tỉ đồng. Trong đó, BSV đảm trách việc thi công toàn bộ phần móng cọc, tường vây và hệ neo trong đất cho việc thi công tầng hầm. Hiện tòa tháp đang trong quá trình hoàn thiện.

C.V.K.

 

Bệnh viện Xanh Pôn cấp cứu 24 nạn nhân

Khoảng 18g30, những nạn nhân đầu tiên được đưa vào Bệnh viện Xanh Pôn và được cấp cứu tại khoa hồi sức nội do có biểu hiện chủ yếu là khó thở. Tuy nhiên, những nạn nhân bị mắc kẹt lâu trong tòa tháp được cứu ra sau đó đều bị ngạt khói nặng, phải chuyển gấp vào khoa bỏng.

Đến 21g30, bác sĩ Nguyễn Thống - trưởng khoa bỏng - cho hay khoa đã tiếp nhận 18 công nhân nhập viện trong tình trạng bị ám khói, ngạt nặng do mắc kẹt quá lâu trong đám cháy. Ngay tại thời điểm nhập viện, 18 nạn nhân đều được cấp cứu tích cực, kịp thời nên không ai rơi vào tình trạng nguy kịch. “Tất cả bệnh nhân nhập viện tại khoa đều được cứu ra khỏi đám cháy sau khi lửa khởi phát hàng giờ, thăm khám lâm sàng ban đầu cho thấy cả 18 người đều hít phải nhiều khói độc. Chính tình huống này khiến việc tiên lượng mức độ hồi phục và khả năng cứu sống bệnh nhân trở nên khó khăn” - bác sĩ Thống thận trọng cho biết.

Trao đổi với Tuổi Trẻ lúc 21g30, TS Nguyễn Phạm Ý Nhi - giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn - cho hay đội phòng cháy chữa cháy tại hiện trường báo về không còn nạn nhân phải chuyển cấp cứu. Thống kê tại bệnh viện cho thấy có tổng cộng 24 người được chuyển vào viện, không có ai tử vong. Ngoài 18 bệnh nhân của khoa bỏng, còn có sáu bệnh nhân nặng nhất được chuyển xuống hai khoa hồi sức nội và hồi sức ngoại./.

Tin bài liên quan
Loading...