Sản phẩm theo nghành
Thống kê truy cập
Số người online: 1
Tổng lượt truy cập: 10831
Hỗ trợ bán buôn - 091.3087288
Hỗ trợ kinh doanh - 024.3557.4374 096.4.047 288
“Cậu tú” Vũ Thế Long đa tài
Ông Vũ Thế Long trú tại khu tập thể Yên Ngưu - khu tập thể do Nhà máy pin Văn Điển xây dựng cách đây 50 năm. Ngày 30-3-1949, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng bằng khen và gửi tặng một tấm áo lụa.

Vũ Thế Long từng là học sinh Trường Thăng Long - Hà Nội. Ngày ấy, thầy Võ Nguyên Giáp dạy văn, sử. Cứ sau mỗi bài giảng của thầy, lòng yêu nước của học sinh lại được thổi bùng thêm và cũng chính do ý thức dân tộc được nâng cao mà Vũ Thế Long đang chạy tản cư theo gia đình đã làm đơn đầu quân vào tỉnh đội Tuyên Quang từ đầu năm 1947. Do có văn hóa nên “cậu tú” Long được điều về phân xưởng hóa chất thuộc xưởng vũ khí dân quân tỉnh Tuyên Quang.

Cũng từ ngày tòng quân, Vũ Thế Long phải gác mộng làm máy bay tàu lượn để đi vào nghề thuốc nổ.

“Cậu tú” của đất Hà Thành-Thăng Long quen dần với những trận sốt rét ác tính, quen dần với củ chuối, củ bấu rừng… thay cơm. Tháng ngày gian khổ thời ấy dạy cho “cậu tú” biết đập cây sui làm chăn đắp ấm, biết ăn ớt rừng thay muối…

Sốt rét rừng đã “tặng lại” cho bộ lá lách cái báng số hai, còn nghề hóa chất “giúp” ông có được cái bệnh chảy máu chân răng kéo dài lâu năm… nhưng ông vẫn đánh đàn, làm thơ, vẽ chân dung Bác Hồ và tiếp tục cải tiến tàu lượn…

Chuyện làm pháo hoa

Cuối thu sang đông năm 1948, ông Lê Văn Ký, quản đốc phân xưởng KT 20 gọi Vũ Thế Long lên phòng làm việc, vẻ mặt rất bí mật, quan trọng:
Ông Vũ Thế Long. Ảnh: NGỌC MINH.

- Liên khu 10 sắp mở đại hội Dân quân, thượng cấp giao cho xưởng ta phải chế bằng được pháo hoa để chào đón đại biểu khi tiến vào hội trường. Việc này có ý nghĩa chính trị lắm, ta phải chế bằng được! Vậy anh phải lo cả từ việc làm ống phóng đến lụa làm dù, xưởng sẽ cấp hóa chất theo yêu cầu.

Nhận lệnh của quản đốc, Vũ Thế Long “lo đến thót ruột” nhưng anh vững tâm vì nắm được nguyên lý phát sáng của kim loại và màu sắc của một số oxyde kim loại khi bị đốt cháy sẽ phát quang, còn muốn để ánh sáng màu lưu lại trên không trung một lúc thì phải có những cái dù bay lơ lửng trên cao.

Đúng thời gian ấn định của cấp trên, xưởng hóa chất KT 20 hoàn thành cả về số lượng cũng như chất lượng. Rồi một hôm, lúc nhá nhem tối, tổ pháo hoa được bí mật hành quân tới địa điểm và đúng giờ G, pháo hoa được phóng lên trời, sáng rực cả một vùng Ao Châu thuộc đất Ấm Thượng, tỉnh Phú Thọ. Đoàn thuyền chở đại biểu dân quân tiến vào hội trường vỗ tay không ngớt. Đồng chí Tỉnh đội trưởng Phú Thọ thì “bế bổng” Vũ Thế Long lên để các đại biểu xem mặt!

Vừa hoàn thành xong việc chế pháo hoa chưa đầy hai tuần thì Vũ Thế Long lại được giao việc sản xuất phuy-mi-nát thủy ngân với số lượng rất lớn. Thời ấy, phương tiện, dụng cụ chuyên ngành cũng như trang bị bảo hộ lao động rất thô sơ. Lẽ ra khi bột phuy-mi-nát đã sấy khô thì phải có “cái rây” đặc biệt để kiểm tra độ mịn theo tiêu chuẩn của Cục Quân giới, nhưng không có “rây” nên phải dùng tay để xoa. Lần ấy, Vũ Thế Long vẫn xoa kiểm tra như mọi khi, song do bàn tay bị thô ráp, sần sùi tạo ra ma sát khiến thuốc bùng nổ nát một phần bàn tay trái, hơi thuốc phả mạnh làm mờ một mắt.

Tấm áo Bác Hồ và bữa cơm với Đại tướng

Trước hôm khai mạc Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn quốc (năm 1952) tại Chiêm Hóa, Tuyên Quang, Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng tổ chức bữa cơm chiêu đãi chiến sĩ thi đua toàn quân. Vũ Thế Long được ngồi bên tay phải Đại tướng Võ Nguyên Giáp, còn phía tay trái là các đồng chí La Văn Cầu, Nguyễn Thị Chiên, Nguyễn Quốc Trị, Giáp Văn Khương.
Vừa ăn, Đại tướng vừa hỏi khá tỉ mỉ về công việc sản xuất của xưởng hóa chất KT 20 và Đại tướng còn đọc những chữ thêu trên áo mà Bác Hồ thưởng cho Vũ Thế Long.

Khi lên nhận tấm Huân chương Lao động hạng ba, Bác Hồ dặn Vũ Thế Long:

- Sản xuất vũ khí ở hậu phương cũng quan trọng như chiến sĩ đánh giặc ở ngoài mặt trận, vậy chú đã cố gắng thì từ nay càng phải cố gắng nhiều hơn nữa để xứng đáng với vinh dự này.

Quá cảm động, Vũ Thế Long không nói được câu nào mà chỉ rưng rưng: “Vâng ạ! Vâng ạ!”.

Tuân theo lời dạy của Bác Hồ, dù làm công tác quân giới, sản xuất vũ khí, làm kinh tế ở mỏ thiếc Tĩnh Túc (Cao Bằng) hay ở Nhà máy pin Văn Điển… ở cương vị nào Vũ Thế Long cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và luôn có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật giúp Nhà máy tăng năng suất.

Từ nhỏ “cậu tú” Long vốn đã đa tài, qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, người thợ hóa chất của ngành quân giới càng được tôi luyện trưởng thành.

Ngày 24-8-2002, ngày tròn tám mươi tuổi, ông Vũ Thế Long đã mang tấm áo lụa mà gia đình ông gìn giữ như một báu vật đúng 55 năm, tặng lại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Tin bài liên quan
Loading...