Sản phẩm theo nghành
Thống kê truy cập
Số người online: 1
Tổng lượt truy cập: 11379
Hỗ trợ bán buôn - 091.3087288
Hỗ trợ kinh doanh - 024.3557.4374 096.4.047 288
Báo động về nguy cơ cháy nổ tại Đồng Nai




Vụ cháy tại Công ty TNHH dệt Hoành Thân, KCN Biên Hòa 2.

NDĐT- Thời tiết ở các tỉnh phía nam hiện đang trong giai đoạn nắng nóng nhất trong năm, nên nguy cơ xảy ra cháy tại nhiều nơi rất cao. Tại Đồng Nai, nhiều vụ cháy nghiêm trọng đã xảy ra, nhất là tại các doanh nghiệp, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Do đó, ngoài sự chủ động tích cực của lực lượng chức năng, người dân, doanh nghiệp cần nâng cao ý thức phòng cháy, chữa cháy (PCCC) vào lúc này.
 
Liên tiếp xảy ra cháy nhà, công ty
 
Mặc dù vụ cháy nhà đã xảy ra cách đây một tuần, nhưng chị Hồ Thị Tuyến Nga, ở phường Bửu Hòa, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại giây phút chị cùng bốn đứa trẻ ở trong nhà vào thời điểm ngọn lửa bùng phát. Theo chị Nga, khi đang ru đứa con ba tháng tuổi ngủ, phát hiện ngọn lửa bùng phát từ góc để tủ lạnh trong nhà, sau đó nhanh chóng bốc cháy. Lúc này, ngoài đứa con chị Nga đang bế trên tay, trong căn nhà còn có ba đứa trẻ khác, nhưng rất may tất cả đã kịp thoát ra ngoài, trước khi ngọn lửa bao trùm và thiêu rụi gần như toàn bộ ngôi nhà.
 
 
 


Đại diện chính quyền địa phương thăm hỏi, tặng quà cho đại diện gia đình chị Hồ Thị Tuyến Nga sau vụ cháy nhà.
 
Tương tự, khoảng 13 giờ 30 phút ngày 6-4, ngọn lửa bùng phát tại ki-ốt làm răng sứ, sau đó lan sang ki-ốt lò bánh mì liền kề tại ấp 5, xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Do bên trong hai ki-ốt có nhiều vật liệu dễ cháy nên ngọn lửa nhanh chóng bốc cháy dữ dội. Mặc dù được dập tắt hoàn toàn chỉ sau 30 phút kể từ khi xảy ra, nhưng vụ cháy đã làm các loại máy móc thiết bị bên trong hai ki-ốt gần như bị thiêu rụi hoàn toàn, ước thiệt hại khoảng nửa tỷ đồng.
 
Không chỉ xảy ra cháy tại nhà các hộ dân ở khu dân cư mà việc cháy tại các doanh nghiệp cũng xảy ra gây thiệt hại rất lớn. Trong đó, phải kể đến vụ cháy nghiêm trọng tại Công ty TNHH dệt Hoành Thân, chuyên sản xuất sợi và găng tay bao ho lao dong ở Khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa 2 vào ngày 17-3. Mặc dù Cảnh sát PCCC tỉnh Đồng Nai đã huy động hơn 10 xe chữa cháy cùng hơn 100 cán bộ, chiến sĩ đến chữa cháy nhưng do ngọn lửa gặp sợi, kho bông nguyên liệu trong nhà xưởng nên bùng phát mạnh lan sang kho liền kề. Hậu quả vụ cháy đã thiêu rụi hơn 3.000 m2 nhà xưởng cùng kho nguyên liệu sản xuất, ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất của công ty.
 
 
 


Lực lượng Cảnh sát PCCC Đồng Nai tham gia chữa cháy Công ty TNHH dệt Hoành Thân, KCN Biên Hòa 2.
 
Theo số liệu của Cảnh sát PCCC tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm 2018 đến nay, chỉ riêng tại các doanh nghiệp đã xảy ra bảy vụ cháy lớn, gây thiệt hại số tiền hơn 60 tỷ đồng, tăng 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Một trong những nguyên nhân cơ bản dễ dẫn đến phát sinh các vụ cháy đó là ý thức, kiến thức PCCC của một bộ phận cán bộ, công nhân viên và nhất là người đứng đầu doanh nghiệp chưa cao, chưa thấy được trách nhiệm trong công tác PCCC. Điều này thể hiện tại một số doanh nghiệp, mặc dù đã được cơ quan chức năng kiến nghị nhưng vẫn không kịp thời khắc phục các tồn tại về an toàn PCCC.
 
Nâng cao ý thức phòng cháy
 
Những vụ hỏa hoạn nghiêm trọng liên tiếp xảy ra ở khu dân cư, đặc biệt là nhà xưởng sản xuất công nghiệp trên tỉnh Đồng Nai đang gióng lên hồi chuông cảnh báo đến các cơ quan quản lý nhà nước cũng như doanh nghiệp về an toàn cháy nổ. Mặc dù tỉnh Đồng Nai đã đẩy mạnh xây dựng mô hình “cụm doanh nghiệp bảo đảm an toàn về PCCC”; “Cụm dân cư an toàn về PCCC”; Ban Quản lý các KCN và các đơn vị đầu tư kinh doanh hạ tầng đã phối hợp Cảnh sát PCCC tổ chức ký giao ước về bảo đảm an toàn PCCC… nhưng việc làm này cũng chỉ hạn chế được phần nào các vụ cháy xảy ra.
 
 
 


Lực lượng Cảnh sát PCCC tham gia chữa cháy tại Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Vũ Hồng Niên.
 
Thực tế, Cảnh sát PCCC Đồng Nai và các đơn vị liên quan đã nhiều lần khuyến cáo các cơ quan, doanh nghiệp, hộ gia đình tự giác chấp hành các quy định về PCCC; thường xuyên kiểm tra các thiết bị điện để kịp thời phát hiện các nguy cơ phát sinh cháy, nổ; chú ý đến việc thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã tại các ki-ốt, sạp hàng và tại các hộ gia đình, nhất là ở khu vực bếp để đề phòng cháy, nổ. Song, thực tế tại nhiều nơi, nhiều người vẫn thờ ơ, quá xem nhẹ việc PCCC, thậm chí khi có kiểm tra thì mới đối phó cho xong chuyện, để rồi khi cháy xảy ra thì tất cả nỗ lực đều quá muộn.
 
Đại tá Lê Quang Nhân, Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC Đồng Nai cho biết, qua điều tra các vụ cháy gần đây, hơn 70% vụ cháy do sự cố điện, còn lại do bất cẩn trong vận hành máy móc thiết bị, vệ sinh công nghiệp kém và do sử dụng các loại hóa chất không có biện pháp bảo quản riêng biệt, dẫn đến phản ứng hóa học gây cháy. Trước những nguyên nhân cháy trên, Cảnh sát PCCC Đồng Nai đang chủ trì phối hợp các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định về an toàn PCCC tại các doanh nghiệp. Song song đó, đẩy mạnh việc tuyên truyền nâng cao ý thức PCCC cho các chủ doanh nghiệp và người lao động. Qua đó, hạn chế thấp nhất các vụ cháy xảy ra. “Chúng tôi tập trung kiểm tra về trách nhiệm người đứng đầu, an toàn dây chuyền công nghệ sản xuất, kiểm tra về an toàn PCCC trong quá trình sử dụng điện, nhiệt, bảo quản các kho nguyên liệu và an toàn trong khu vực sản xuất. Qua kiểm tra nếu phát hiện sai phạm sẽ xử phạt nghiêm và yêu cầu doanh nghiệp nhanh chóng khắc phục”, Đại tá Lê Quang Nhân khẳng định.
 
 
 



Cảnh sát PCCC Đồng Nai kiểm tra, hướng dẫn doanh nghiệp về an toàn PCCC tại doanh nghiệp.
 
Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân điện tử ngày 9-4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai kiêm Trưởng Ban PCCC tỉnh Trần Văn Vĩnh cho biết: Việc kiểm tra PCCC đối với các doanh nghiệp và những nơi có nguy cơ cháy nổ cao được triển khai ngay từ đầu năm, đây là việc làm thường xuyên chứ không phải đến lúc xảy ra nhiều vụ cháy như hiện nay chúng tôi mới làm. Thế nhưng trước cao điểm mùa nắng nóng hiện nay, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu lực lượng PCCC tỉnh, chính quyền các địa phương tăng cường hơn nữa công tác PCCC tại khu, cụm công nghiệp, dân cư, trong đó chú trọng công tác kiểm tra chấp hành các quy định pháp luật về PCCC tại doanh nghiệp. Vì trong thực tế nếu lực lượng chức năng kiểm tra về an toàn PCCC một năm một lần như vừa qua, khiến một số doanh nghiệp hạn chế chi phí đầu tư cho công tác PCCC theo quy định.
 
“Mặc dù một số doanh nghiệp cho rằng, việc kiểm tra gây khó khăn cho quá trình sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, qua các vụ cháy xảy ra gần đây gây hậu quả nghiêm trọng, chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định về an toàn PCCC, nhất là đối với các doanh nghiệp có đông công nhân và sản xuất hóa chất. Bởi lẽ khi cháy xảy ra tại các doanh nghiệp này, không chỉ gây thiệt hại rất lớn cho bản thân doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự và môi trường đầu tư của địa phương”, ông Trần Văn Vĩnh cho hay.
 
Dân gian vẫn thường ví “nhất thủy, nhì hỏa” và gọi thủy, hỏa là “giặc” để nói về những tai họa do nước, lửa gây ra đối với con người cực kỳ nguy hiểm. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hỏa hoạn nhưng yếu tố chủ quan luôn xếp hàng đầu. Nếu người dân, các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp vẫn tiếp tục chưa nhận thức đúng mức vấn đề an toàn PCCC, thì lực lượng Cảnh sát PCCC dù có tinh nhuệ đến đâu cũng không thể ngăn hết những hậu quả đau lòng như từng xảy ra trong thời gian qua.
 
Bài và ảnh: THIÊN VƯƠNG
Tin bài liên quan
Loading...