Sản phẩm theo nghành
Thống kê truy cập
Số người online: 1
Tổng lượt truy cập: 11176
Hỗ trợ bán buôn - 091.3087288
Hỗ trợ kinh doanh - 024.3557.4374 096.4.047 288
An toàn lao động ở các làng nghề: Bao giờ mới được quan tâm?
Không phải ngẫu nhiên mà Tuần lễ an toàn - vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ (AT-VSLĐ-PCCN) diễn ra từ ngày 15 đến 21-3-2009 lại có chủ đề "Nâng cao nhận thức, đề cao trách nhiệm và tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân và toàn xã hội trong công tác AT-VSLĐ-PCCN".
 
Chính việc thiếu ý thức, không chấp hành đúng các quy định về AT-VSLĐ-PCCN là nguyên nhân dẫn đến tai nạn lao động (TNLĐ) ở các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và nhất là tại các làng nghề, gây bức xúc trong dư luận nhân dân.
 
Thờ ơ với công tác an toàn lao động
 
 
    
 
 
An toàn lao động tại các làng nghề hiện chưa được quan tâm đúng mức.

Vào đến đầu xã Liên Trung (Đan Phượng), chắc ai cũng phải sửng sốt. Các loại gỗ được bày la liệt, ngổn ngang; bờ đê, đường làng, ngõ xóm không còn một chỗ trống. Các cơ sở chế biến lâm sản mọc lên như nấm, hoạt động nhộn nhịp. Tuy chỉ có hơn 6.000 dân, 1.400 hộ, nhưng xã Liên Trung có tới 73 doanh nghiệp, 2 HTX tiểu thủ công nghiệp và khoảng 300 hộ gia đình chuyên sản xuất, chế biến lâm sản, làm đồ mộc… thu hút hàng ngàn lao động. Thế nhưng, hầu hết các cơ sở sản xuất lại không trang bị bình bọt khí Co2, họng nước cứu hỏa; nếu chẳng may xảy ra hỏa hoạn ở cơ sở sản xuất nào, thì lửa có thể thiêu trụi toàn bộ lán xưởng của các cơ sở sản xuất khác trong xã. Các thiết bị, máy móc, máy cưa không có bảo hộ; dây điện loằng ngoằng như mạng nhện, cầu dao đặt bừa bãi, thậm chí nhiều cầu dao còn không có cả nắp bảo vệ. Công nhân cũng chẳng có khẩu trang, găng tay, bảo hộ lao động. Anh Nguyễn Văn Lợi, quê ở Nam Định, làm thuê cho cơ sở sản xuất mộc tại thôn Hạ, xã Liên Trung tâm sự: "Làm ở đây vất vả một chút, nhưng thu nhập cũng khá; trừ tiền ăn mỗi tháng cũng được trên dưới 2 triệu đồng". Chúng tôi hỏi anh rằng: "Có thấy nguy hiểm không?". Không ngần ngừ, anh Lợi trả lời: "Cẩn thận một chút thì chẳng có gì nguy hiểm cả". Vậy mà tại đây trên thực tế đã xảy ra không ít vụ tai nạn nghiêm trọng. Điển hình là trường hợp chị Nguyễn Thị Quy, trong quá trình chế biến lâm sản, do sơ ý đã bị cây gỗ đè lên người, chết ngay tại chỗ.
 
Ở làng nghề kim khí Thanh Thùy (Thanh Oai), Phùng Xá (Thạch Thất), rồi làng nghề rèn dao, kéo Đa Sỹ (Hà Đông)... cũng vậy. Ngồi sát bên lò than đỏ rực, anh Lê Văn Tiến ở làng nghề Đa Sỹ cặm cụi làm việc mà không hề có khẩu trang, găng tay, kính đeo mắt. Chứng kiến cảnh vợ chồng anh gồng mình giáng chiếc búa tạ xuống bàn đe, những mạt sắt từ thanh kim loại đỏ bắn tung tóe xung quanh, mới thấy hết được sự nguy hiểm và độc hại của những người làm nghề. Anh Tiến thổ lộ: "Vẫn biết là độc hại, nhưng làm nhiều cũng quen. Chuyện đứt tay, chân, sưng trán xảy ra như cơm bữa". Vừa nói, anh Tiến vừa chìa cánh tay với những vết sẹo vẫn còn hằn nguyên cho chúng tôi xem. Đặc biệt, làng nghề kim khí Thanh Thùy còn được mệnh danh là "làng hiến ngón", bởi hầu hết các hộ gia đình đều có người bị TNLĐ; nhẹ thì mất ngón, nặng hơn thì mất bàn tay, cánh tay, nặng hơn nữa thì mất mạng. Theo thống kê của Trạm Y tế xã, trung bình mỗi năm Thanh Thùy có khoảng 200 trường hợp bị tai nạn đến khám, sơ cứu và điều trị bệnh tại đây. Không những thế, trong quá trình sản xuất, nước thải với biết bao dung môi kiềm, axít, dầu mỡ, gỉ sắt... không được xử lý, xả thẳng ra môi trường.
 
Ai chăm lo sức khỏe của người lao động?
 
Theo qui định, khi tuyển dụng, chủ sử dụng lao động phải tổ chức dạy nghề, tập huấn về AT-VSLĐ-PCCN, song chỉ vì lợi nhuận họ đã bỏ qua tất cả, dẫn đến sự hiểu biết và ý thức chấp hành kỷ luật lao động, các qui định về AT-VSLĐ-PCCN của công nhân còn rất hạn chế; nhiều người lao động còn không biết Tuần lễ quốc gia về AT-VSLĐ-PCCN là thế nào và diễn gia vào bao giờ. Ngay cả chủ sử dụng lao động cũng hiểu biết rất lơ mơ về ATLĐ. Bên cạnh đó, công tác AT-VSLĐ-PCCN chưa được quan tâm đúng mức. Ông Nguyễn Đình Đông, Trưởng ban quản lý điểm công nghiệp cơ kim khí xã Phùng Xá cho biết: "Chúng tôi mới chỉ quán triệt, tuyên truyền công tác AT-VSLĐ-PCCN trên hệ thống loa truyền thanh của địa phương, chứ chưa bao giờ mở lớp tập huấn". Hơn nữa, đại đa số các cơ sở ở làng nghề có qui mô sản xuất nhỏ, thường đặt tại gia đình; máy móc lạc hậu, nhà xưởng chật hẹp, quản lý người lao động trong quá trình làm việc lại lỏng lẻo. Người lao động phần lớn làm việc bằng kinh nghiệm, truyền nghề cho nhau, rất tùy tiện, theo ý thích cá nhân. Không những thế, việc trang bị bảo hộ lao động cho công nhân còn mang nặng tính đối phó. Hầu hết các cơ sở sản xuất ở làng nghề không trang bị quần áo, kính mũ, găng tay, khẩu trang... và không tham gia BHXH, BHYT cho người lao động. Nhiều chủ sử dụng lao động không ký hợp đồng lao động mà chỉ thỏa thuận "bằng miệng" với người lao động; mỗi khi không may xảy ra rủi ro, họ thường thoái thác trách nhiệm.
 
Chính các yếu tố này đã làm cho những nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương vẫn không chặn đứng được tình trạng TNLĐ. Chỉ tính riêng năm 2008, toàn thành phố Hà Nội đã xảy ra 117 vụ TNLĐ, 206 vụ cháy, làm hơn 30 người thiệt mạng, hàng trăm người bị thương nặng và gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Trong số đó, rất ít người được hưởng các chế độ, chính sách lâu dài cũng chỉ vì không được tham gia BHXH, BHYT.
 
Kiều Linh - Tuấn Minh
Tin bài liên quan
Loading...